37 năm bị “bịt miệng” trên “xứ sở tự do” (kì 1)


(CATP) Nhà báo, chủ báo bị chụp mũ, vu khống, sỉ nhục, bị đánh đập dã man hoặc thủ tiêu, ám sát. Tòa soạn báo bị côn đồ khủng bố, đốt cháy, bao vây gây náo loạn cả năm trời. Nhiều người bị ngăn cấm đọc báo, nghe đài… Đây là thực trạng nhức nhối, kéo dài suốt 37 năm qua, là “khổ nạn” của báo chí Việt trên đất Mỹ. Phan Nhật Nam – một cây bút chống cộng khét tiếng từ trước và sau năm 1975, phải cay đắng thốt lên: “Những người làm văn, làm báo ở đây (Mỹ) đang phải chịu đựng một áp lực tồi tệ”… (Phan Nhật Nam trả lời Lệ Hằng – đã đăng trên nhiều trang web). Nhà văn Nhật Tiến thì than thở: “Không có đủ tự do cho những người cầm bút ở hải ngoại…” (trích từ “Sống và viết trên đất Mỹ” – Thế Uyên tháng 4-1998, đã đăng trên “Tiền vệ”). Tại sao trên xứ sở tự do như Hoa Kỳ lại có chuyện đàn áp báo chí khốc liệt như vậy?

>Kỳ 2: TRANG SỬ ĐEN TỐI

>Kỳ cuối: “CHIẾN ĐẤU” ĐỂ HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG

Kỳ 1: VÀI NÉT LỊCH SỬ BÁO VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ

Ngày 30-4-1975, kết thúc sự tồn tại của chính thể Việt Nam cộng hòa (VNCH). Hai ngày sau, tại đảo Guam, tờ báo đầu tiên của người Việt tại Mỹ ra đời với tên gọi Chân trời mới. Tại thời điểm đó, trên đảo Guam có hơn 100 ngàn người Việt (gồm binh lính, sĩ quan, công chức chế độ VNCH vừa sụp đổ) được máy bay, tàu chiến bốc ra đang chờ sang Mỹ định cư.

Ồ ẠT RA ĐỜI RỒI… CHẾT YỂU!

Tờ Chân trời mới mỗi tuần ra năm số, mỗi số phát hành từ 5 – 10 ngàn bản. Đến cuối tháng 10-1975, tờ báo này cũng đóng cửa theo trại tạm cư Guam (theo BBC ra ngày 18-4-2005).

Tiếp đó, trong cộng đồng người Việt di tản trên đất Mỹ ra đời thêm một số tờ báo như: Đất mới (7-1975), Đất lành (8-1975), Văn nghệ tiền phong (11-1975), Tin yêu (2-1976), Việt báo (7-1976)… Tổng cộng trong hai năm 1975 – 1976 có tới 45 tờ báo Việt ra đời.

Những năm sau đó, cùng với làn sóng người Việt ồ ạt nhập cư vào Mỹ, báo chí (bao gồm báo in, truyền hình, truyền thanh và Internet) tiếng Việt càng nảy nở nhộn nhịp. Đến nay – 37 năm hình thành cộng đồng Việt tại Mỹ, đã có hàng trăm cơ sở báo chí ra đời hoặc… biến mất. Nhiều tờ báo khai trương ồn ào, phát hành được… một số rồi “tắt”. Như tờ Tin Văn của Hoàng Dược Sư ra một số duy nhất vào tháng  9-1975 với 15.000 bản in, sau đó… hết vốn, đóng cửa. Tờ Quê Hương của Du Tử Lê cũng đoản mệnh sau khi số thứ hai được phát hành. Có tờ như KBC Hải ngoại chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần và mỗi lần “tái sinh” lại có một chủ mới…

Sở dĩ có tình trạng lạ lùng kể trên là vì ở Mỹ muốn ra một tờ báo rất dễ, dễ đến mức ai cũng có thể là chủ báo, nhà báo. Có người ví von: “Làm báo ở Mỹ dễ hơn lái xe. Bởi lái xe còn đòi hỏi bằng cấp, làm báo chẳng cần bằng cấp…”. Cũng có những người Việt tốt nghiệp các khoa, trường đào tạo báo chí của Mỹ nhưng hầu hết không tham gia làm báo Việt bởi thu nhập thấp và tương lai bấp bênh. Họ làm việc cho các cơ quan truyền thông của Mỹ. Có những tờ báo chỉ một người làm, “công nghệ” chính là cắt, dán. Cứ lấy tin báo khác đưa sang báo của mình, chẳng cần tính đến bản quyền. Báo loại này chỉ sống nhờ quảng cáo. Báo in xong, đem đi cho là chính. Trên trang web BBC tiếng Việt ngày 22-7-2007 đăng ý kiến của một độc giả người Việt ở Mỹ: “Ở Cali quơ tay là có hàng chục tờ báo (tiếng Việt) rơi rớt trong các tiệm phở, ngõ ngách các khu chợ, siêu thị. Chục tờ như một toàn nhai đi nhai lại, copy trên mạng, kể cả các “tin Việt Nam” đều từ các báo điện tử Việt Nam mà ra… Đa số “báo chợ” không có một phóng viên, chỉ có vài người lên mạng “sao y bản chính”. Nhà báo kỳ cựu Sơn Điền – Nguyễn Viết Khánh từng viết về một kỷ niệm buồn với báo Việt ở Mỹ: “Tình cờ ra chợ, thấy chồng báo để dưới đất cho thiên hạ lượm. Những tờ báo trang trọng đẹp đẽ, trong đó có biết bao tâm tư trí não đã gửi gắm thành văn bị chà đạp bởi bước chân vô tình của khách qua đường…”. Nhà báo Nguyễn Ngọc Bích (Giám đốc chương trình Việt ngữ đài CATD) trong bài “Người Việt hải ngoại và công tác truyền thông hải ngoại”, cho biết: “Báo Việt ngữ ở hải ngoại phần lớn (95 – 98%) là báo của một gia đình. Vợ chồng với đôi ba người thân phụ giúp… Các tin có thể viết dông dài, văn bất thành cú mà vẫn được đăng vì tờ báo có nhiều chỗ trống cần trám hoặc vì là chỗ quen biết… Đây là cách làm báo tiểu công nghệ”…

Ra một tờ báo quá dễ như vậy nên báo Việt ở Mỹ nhiều đến mức không đếm xuể. Cây bút chống cộng Phan Nhật Nam trong lần trả lời phỏng vấn Lệ Hằng, đã mỉa mai: “Chỉ riêng vùng Orange County (Nam California – USA) đã có hơn 200 hội đoàn, số lượng báo cũng xấp xỉ như nhu cầu hội đoàn này…”. Trong bài nói chuyện tại trụ sở cộng đồng Dallas ngày 12-11-2005, nhà báo Phan Thanh Tâm cho biết: “Có người ví trên trời có bao nhiêu ngôi sao thì quận Cam (nơi có đông người Việt định cư) có bấy nhiêu tờ báo. Tờ này chết, tờ khác phanh ngực tiến lên…”. Trong bài “Người Việt hải ngoại và công tác truyền thông đại chúng”, nhà báo Nguyễn Ngọc Bích có cùng quan điểm: “Riêng vùng tôi ở, Washington D.C và ngoại ô Virginia và Maryland, có chừng 60 ngàn người Việt Nam, mà có đến hơn mười tờ tuần báo (Việt ngữ) ra hàng chục năm nay. Nếu mỗi tờ in 3.000 bản mỗi tuần, thì ta cũng có con số 30 nghìn bản các loại một tuần. Có nghĩa là cứ hai người Việt từ tuổi sơ sinh đến lúc bạc đầu thì đã có một tờ báo Việt ngữ để đọc một tuần… Rất nhiều người thuộc lòng những giờ báo được phát đến các cơ sở thương mại, để nhanh chân đến đó lấy trước khi người ta lấy hết…”.

Trang web Bulletin ngày 13-6-2005, đăng phát biểu của tác giả Phạm Nam Vinh: “Ở thủ đô tị nạn này (quận Cam – California) chẳng mấy ai quan tâm đến sự báo này vừa ra, báo nọ âm thầm lặng lẽ đóng cửa. Có khi cầm một tờ báo trên tay mà chẳng biết nó ra hàng tuần hay nửa tháng, hay một tháng, ba tháng. Có tờ tìm đỏ con mắt không biết chủ nhiệm, chủ bút, ban biên tập là những ai. Ngay đến địa chỉ báo quán ở đâu cũng chẳng thấy nữa…”. Mỹ là xứ sở phát triển khoa học kỹ thuật bậc nhất thế giới. Nhưng hơn mười năm sau khi ra đời, báo Việt ngữ ở Mỹ sau khi in xong phải bỏ dấu bằng tay, trông lem luốc. Đến đầu những năm 90 thế kỷ 20, kỹ sư Hồ Thành Việt của Công ty VNI cho ra đời phần mềm tiếng Việt, nhờ đó báo Việt ở hải ngoại mới thoát được nạn “bỏ dấu bằng tay”!
“THÀ Ở TÙ CHỨ KHÔNG… ĐI LÀM BÁO!”
Tình hình báo chí đã buồn, nghề báo trong cộng đồng Việt ở Mỹ cũng hiu hắt không kém. Theo tìm hiểu của các tác giả loạt bài này, nhuận bút trung bình của một bài báo trên báo chí Việt ngữ  hiện cỡ 25USD (thấp hơn nhiều so với nhuận bút các báo trong nước đang trả). Dù ít ỏi, nhưng không phải báo nào cũng trả nổi. Chuyện chủ báo quỵt nhuận bút của nhà báo không hiếm xảy ra. Trên tờ Việt Fun ra gần đây, trong bài “Vui buồn đời viết báo hải ngoại”, tác giả Hà Đình Trung viết: “Phần lớn báo Việt ngữ ở hải ngoại đều phải dựa vào quảng cáo để sống. Trong vùng Bắc Cali (USA) có mấy chục tờ báo, đa phần đời sống của chủ báo cũng bấp bênh nói gì đến những tay ký giả làm công cho chủ báo. Người ký giả chuyên nghiệp sống nhờ vào nhuận bút, nhưng thành thật mà nói, từ trước đến nay có bao nhiêu ông chủ báo làm tròn nghĩa vụ cao cả này. Chi phí công tác không được chủ báo trả, đã vậy có người ba năm không được trả lương, nhuận bút. Nhưng nhục nhất là đi xin quảng cáo… bởi vậy có người vừa dí dỏm vừa cường điệu nói với nhà báo Thanh Thương Hoàng rằng – Nếu phải chọn giữa ở tù và làm báo, tôi thà đi tù…”. Trong giới ký giả Việt ở Mỹ, thường có câu đùa chua xót: “Ghét đứa nào cứ cho nó đi làm báo”…

Một “đặc tính” nữa của báo Việt ở Mỹ là “chửi”. Thời kỳ đầu là chửi bới quê hương, sau đó là chửi lẫn nhau giữa các báo với các báo, đài với đài, hội đoàn với hội đoàn và các cá nhân với cá nhân. Chửi xong lại kiện nhau ra tòa. Nhà báo Phan Thanh Tâm trong bài “Báo chí hải ngoại” (đã trích dẫn ở trên), viết: “Tuy sinh hoạt đã 30 năm, có lập hội ký giả, báo Việt ngữ vẫn chưa bao giờ có một làng báo… Đây là một tập thể phức tạp nhất. Không có làng nên không có lệ, không có quy ước. Nhiều vụ kiện tụng vì phỉ báng, chụp mũ đã xảy ra… Ngày 9-9-1993, hơn 100 nhà văn, nhà báo đã gửi một thư ngỏ đến quý vị chủ nhiệm báo, giám đốc truyền thanh, truyền hình yêu cầu các cơ quan truyền thông khi chỉ trích ai nên tôn trọng quyền trả lời của người bị chỉ trích…”.

Trên trang web Dân kêu ra ngày 29-1-2012, trong bài “Tú gàn – ông là ai?”, tác giả Nguyễn Văn Lục kết luận: “Truyền thông báo chí hải ngoại được tự do viết. Nhưng học đòi dân chủ, tự do không xong. Tự do biến thành tự do chửi, chửi vung vít, chửi bất cứ ai mình muốn chửi. Báo chí tự biến thành “báo bẩn” vì “chửi”… Cũng vì “đặc tính chửi” quá phổ biến trên báo Việt ở Mỹ nên ông Nguyễn Cao Kỳ – nguyên phó tổng thống VNCH lúc còn sống, phải than rằng: “Báo chí trong nước ngày càng hay, trong khi báo chí hải ngoại ngày càng tồi tệ” (trích từ sách “Tường trình cùng đồng bào trong nước” – xuất bản tại Mỹ 1998, trang 54).
Tuy gặp nhiều khó khăn như vậy, nhưng báo Việt ở Mỹ sẽ “dễ thở” hơn rất nhiều nếu như không có kềm kẹp, đàn áp man rợ của các tổ chức phản động lưu vong. Bọn khủng bố báo chí này thường xưng danh “Tập thể quân lực VNCH”, “Chánh nghĩa quốc gia”, “Kháng chiến phục quốc”, “Bảo vệ cờ vàng”… để bóp nghẹt tự do báo chí. Thế Uyên – một cây bút chống cộng thâm độc từ thập niên 60, 70 ở Sài Gòn, nay sang Mỹ tiếp tục đời viết văn, làm báo. Dù đã có “số má” như vậy, nhưng Thế Uyên vẫn không thoát khỏi “vòng kim cô” của lực lượng áp bức báo chí. Trong bài “Sống và viết trên đất Mỹ”, đăng trên tờ Tiền vệ tháng 4-1998, Thế Uyên cay đắng, uất hận kể: “Những môn đệ còn theo trường phái chống cộng cổ điển ở Mỹ ép buộc cộng đồng hải ngoại phải chấp nhận những tiền đề chính trị xã hội chẳng liên quan gì đến thực tại Việt Nam. Ai mà không chịu phát ngôn theo các tiền đề đó thì trước sau cũng bị chụp mũ, đả kích thậm tệ, biểu tình và tẩy chay. Và nếu là người cầm bút thì còn bị đánh trọng thương, bị đốt chết, bắn chết…”.

2 comments on “37 năm bị “bịt miệng” trên “xứ sở tự do” (kì 1)

  1. Pingback: 37 năm bị “bịt miệng” trên “xứ sở tự do” (kì 3) | MẶT TRẬN THANH NIÊN CHỐNG PHẢN ĐỘNG

  2. Pingback: 37 năm bị “bịt miệng” trên “xứ sở tự do” (kì 2) | MẶT TRẬN THANH NIÊN CHỐNG PHẢN ĐỘNG

Bình luận về bài viết này